CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 16,9-15
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Pl 4, 10-19
Thưa anh em tôi rất vui mừng “trong Chúa” vì thấy tình cảm anh em đối với tôi.
Phaolô đã nhận được một “gói quà thăm nuôi”: các tín hữu Philip gửi giúp ông. Ong cảm thấy hạnh phúc. Và ông gửi lời cám ơn họ. Nhưng ông cũng biết bảo vệ tính cách độc lập của người Tông-đồ.
Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã tập cho quen có sao sống vậy: tôi sống thiếu thốn cũng được..no hay đói… dư dật hay túng thiếu…
Đúng, ông thoải mái ! tiền bạc các tín hữu gửi tặng không làm ông thay lòng đổi giọng. Và ông nhấn mạnh rằng, không có của bố thí, thì ông vẫn sống thoải mái.
Cuộc sống thăng bằng tốt đẹp này có được là nhờ sống kết hiệp với Đức Kitô : hoàn cảnh nào ông cũng cho là hạnh phúc ! khi được “dư dật” , ông cảm tạ Chúa … Khi gặp “túng bần”, ông không than vãn… Đức Kitô là đủ cho ông rồi !
Đó là một bí quyết hạnh phúc! nếu cuộc đời đến với ta như nguyên trạng..nếu ta biết lượng giá các “vận may” (không phóng đại để khỏi mắc lừa) mà cũng biết chấp nhận những “vận rủi” ! việc này, nói dễ lắm, nhưng dễ bị cản trở, và đó chỉ là một lý tưởng. Lạy Thánh Phaolô, con người tự do, xin cầu cho chúng tôi.
Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu được hết.
Và đây nữa, cũng còn Đức Giêsu. Người ở khắp nơi. Có Người là đủ mọi sự. Người là lý do để Phaolô có được tự do hoàn toàn.
“Đấng làm cho tôi nên mạnh”: dưới ngòi bút của Phaolô, đó al2 một định nghĩa về Đức Giêsu nữa.
Tuy nhiên, Phaolô đã biết mình yếu đuối. Ông viết cho tín hữu Rôma: “Sự thiện tôi muốn mà tôi không làm” ( Rm 7, 19).
Và ở đây, ông viết là ông “chịu được hết”. Can đảm thật ! nhưng không phải nhờ sức riêng ông, mà nhờ “Đấng ban sức mạnh cho ông”.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cái nhìn minh mẫn và trong sáng này: xin cho chúng con biết chấp nhận các buồn vui với tâm hồn bình tĩnh, tính cách đơn sơ theo như sự việc xảy đến , vì biết chắc rằng Người ban ơ trợ lực để chúng con đủ sức chịu đựng các gánh nặng quá sức loài người.
Lạy Chúa nếu vào thời điểm ấy mà con phải chịu, thì xin Người ban sức cho con như lời Người hứa.
Nếu con không ở trong hoàn cảnh ấy, con xin tạ ơn Người, và con cầu nguyện cho những người đang bị đè nặng nên…đau khổ…thất vọng. “sau khi dùng bữa ăn tối lần cuối. Người đã tự hiến mình làm của lễ dưới “bàn ép” của thập giá..”bàn ép” vẫn đứng vững, và từ chùm nho chín mọng, rượu tế lễ trào ra”.
Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em, một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người “trong Đức Giêsu Kitô”.
Phục vụ anh em nhân loại, nâng đỡ ít nhiều cho các nhu cầu vật chất của họ, tức là “ta dâng lễ tế lên Thiên Chúa!”.
Điều đó không chỉ nhắm vào sự giúp đỡ tiền bạc, nhưng bất cứ một sự giúp đỡ nào, bất cứ một một cuộc dấn thân nào. Một hành vi quảng đại, dù rất tầm thường, tỉ như khi chuyền tay nhau một “xấp giấy” thì cũng không lọt khỏi “mắt Thiên Chúa”. Phaolô giải thích tất cả “ trong Đức Kitô”. Không có gì dửng dưng với Thiên Chúa. Chúng ta có một “trương mục mở ngỏ” nơi ngân hàng của Thiên Chúa, trong đó ghi lại các hành vi yêu thương của ta.
Cuộc đời trần thế của ta có một giá trị… vô biên.
Bài đọc II: Rm 16, 3-9.22-27
Như ở cuối, mỗi lá thư, Phaolô gửi lời chào tới những người mà ngài kể tên ra. Nên đọc với niềm trọng kính những tên này. Đối với phần đông đây là những Kitô hữu vô danh khiêm tốn của thời đầu, những người cộng tác của Phaolô, những người đã không để lại trong lịch sử một điều gì khác ngoài cái tên của họ ở cuối lá thư: nhưng dầu vậy vai trò chắc chắn của họ là quan yếu..họ đã chuyển thông đức tin cho chúng ta.
Tôi xin gửi lời chào bà Prisca, và ông Aquila là những người cộng sự viên của tôi trong Đức Giêsu Kitô… xin gửi lời chào giáo đoàn đang hội họp tại nhà họ.
Chúng ta suy niệm thoáng qua về điều câu này gợi lên. Một cặp Kitô hữu… Aquila và Prisca… những người tụ họp tại nhà họ, một nhóm các Kitô hữu khác để cử hành Thánh Thể. Chúng ta cầu nguyện để thánh lễ của chúng ta, dần dần tìm gặp lại đôi chút sự đơn sơ nhiệt tình của đời sống “chung” trong một niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Xin gửi lời chào Êphênêtô, Maria, Anđrônica và Giunia, Amphiatô, Urbanô, Sitakhin.
Và các tín hữu hợp với Phaolô để ký gửi lá thư này.
Tôi là Tertiô người viết thư này, xin gửi lời chào anh em trong Chúa.
Gaiô, Erastô, Quartô…
Trong các thành phố lớn HÔM NAY, người ta gặp lại hoàn cảnh các Kitô hữu, nhóm thiểu số nhỏ bé bỏng các tín hữu chìm mất giữa thế gian.
Chúng ta cũng phải biết tạo lập các “liên hệ” giữa con người, cho phép chúng ta nhận biết và yêu thương nhau. Người ta đã nói về các Kitô hữu buổi sơ khai: “Kìa xem họ yêu thương nhau thế nào!” và tôi trong cuộc sống hằng ngày, tôi làm gì trong chiều hướng này, để tạo lập mối tình huynh đệ với người khác “trong Chúa”…
Kết luận tôn vinh Thiên Chúa
Đối với Thánh Phaolô, việc tạ ơn là tâm cảnh đời ngài. Ngài dùng thời giờ để “tôn vinh Thiên Chúa”.
Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Tin Mừng.
Chúng ta thường nhấn mạnh về chủ đề về “ sức mạnh” của Tin Mừng. Đời sống Kitô hữu không nhu nhược, thụ động, nhưng là “sức mạnh”, năng động.
Theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời nhưng nay được tỏ bày.
Từ “mầu nhiệm” trong Thánh Phaolô có một ý nghĩa rõ rệt. Nó gợi lên “kế đồ của Thiên Chúa” được tỏ bày từ từ qua lịch sử.
“ Kế đồ của Thiên Chúa!”
“Chương trình của Thiên Chúa!”
trước kia được giữ kín…này được “tỏ bày” nhưng chỉ được tỏ bày đầy đủ trong thế giới sắp tới. “kế đồ” của Thiên Chúa, nhằm tạo lập một nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa và với nhau. Lối thoát của lịch sử nhân loại “yêu thương”, hợp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau.
Theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu “mầu nhiệm này” được thông tri cho các dân ngoại, để đưa họ về “vâng phục đức tin”.
Chính đức tin cho phép con người thông hiệp với chương trình này của Thiên Chúa, đáp ứng và dự phần vào đó.
Kính chúc Thiên Chúa Đấng khôn ngoan độc nhất nhờ Chúa Giêsu Kitô. Kính chúc Người vinh quang muôn đời Amen.
Chương trình này là thành quả của “khôn ngoan” Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan tuyệt hảo, khôn ngoan độc nhất!
Lá thư này kết thúc như thế. Một tiếng kêu ngây ngất trước mầu nhiệm được tỏ bày: Chúa Kitô, chìa khóa của lịch sử và của định mệnh mọi người.
BÀI TIN MỪNG: Lc 16, 9-15
Hôm nay chúng ta sẽ nghe từ chính môi miệng của Đức Giêsu lời giải thích dụ ngôn được đề cập tới hôm qua: dụ ngôn “Người quản gia bất lương”. Qua những hình thức diễn tả, có chỗ sáng sủa có chỗ còn bí hiểm, Đức Giêsu bày tỏ quan điểm của người về “tiền bạc”.
Trong một số những trình thuật Tin Mừng khác, ta thấy Đức Giêsu cảnh giác trước của cải vật chất biết bao, như thế chúng ta là một cản trở tuyệt đối cho đời sống Kitô hữu: “Phúc cho những ai nghèo khó… khốn cho các ngươi là những kẻ giàu sang… các ngươi đã được an ủi rồi… con lạc đà chiu qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào nước Trời” (Lc 6, 20-24. 18.25).
Ở đây ta gặp lại cùng một quan điểm, nhưng với những hướng dẫn tích cực để sử dụng tiền của.
1. Đối với Đức Giêsu, tiền của là “một việc nhỏ bé”. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn.
Theo Đức Giêsu việc lớn ở đây là “sự sống đời đời” đó là những của cải thần linh, là những sự việc thiêng liêng. Trái lại tiền của chỉ là một “việc rất nhỏ”, không phải là việc lớn…
Khởi đi từ xác quyết trên, ở đây Đức Giêsu khuyên nhủ hãy trở nên một người điều hành tốt, một “quản lý” tốt cho “việc bé nhỏ ít quan trọng”này, đó là của cải trần gian, để xứng đáng quản lý những việc quan trọng hơn, thuộc lĩnh vực thiêng liêng. Không phải là một lời khuyên sống xô bồ, lãng phí…lời đầu tiên của Đức Giêsu trên đây mời gọi ta biết quản lý những của cải trần gian của ta một cách đúng đắn.
2. Đối với Đức Giêsu tiền của là một “ngoại lai”.
Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và trao phó của cải chân thật cho anh em? và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
Ghi nhận thứ hai của Đức Giêsu: Đó là tiền của không phải là ‘của chân thật” của con người, làm cho con trở thành người. Của cải vật chất không làm cho một người trở nên tốt, thông gió hạnh phúc, cao cả…Giá trị đích thực ở chỗ khác.
Không phải “sở hữu” là đáng kể, nhưng là “hiện hữu”…
Người ta có thể “có” nhiều, nhưng vẫn “là” một loại người đáng thương, gian ác, bất hạnh.
Đức Giêsu không rút ra một kết án triệt để từ xác quyết trên. Trái lại, Người nói người nói với ta : việc “quản lý của cải ngoại lai” này đối với con người, có thể là một thực tập tốt, để có khả năng “quản lý của cải chân thật”của ta.
3.Đối với Đức Giêsu, tiền của thường “gian dối”, một “thần tài bất công”.
Đức Giêsu nói với các môn-đệ: “Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè..ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn… nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của…”
Ở đây Đức Giêsu liên kết cách rất tự nhiên với lương tri bình dân: tiền của là vật khó kiếm và rất hữu ích, là kết quả của lao động… nhưng hỡi ôi! Nó cũng thường là kết quả do áp bức và biển lận. Ở đây, sự bất lương đặc biệt nặng nề vì nó lừa đạot kẻ khác những gì mà họ có quyền hưởng.
4.Đối với Đức Giêsu, tiền của có thể “phục vụ”, và như thế trở nên một biểu tượng của tình yêu.
Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè.
Thật ra đây mới là ý nghĩa sâu sắc trong dụ ngôn “Người quản gia bất lương”. Với một vẻ hài hước đáng ngạc nhiên, dụ ngôn hàm chứa bốn “nhận xét” được triển khai ở đây: một của cải ‘không quan trọng” một của cải ‘ngoại lai”, một của cải “được chiếm giữ cách xấu ác”, “với của cải đó, người ta có thể phục vụ”.
Để giới hạn hình thức Đức Giêsu muốn nói: Nêu rương hòm của bạn đầy tràn thì càng tốt, miễn là nó sẽ hao dần theo như nó đầy tràn!
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Trung tín trong việc sử dụng tiền của
HOÀN CẢNH:
sau dụ ngôn về Người quản lý bất trung (16,1-8): thánh luca ghi lại những lời Đức Giêsu đã sửa dạy để chú giải dụ ngôn như một bài học về nhiều khía cạnh của tiền bạc (10-13).
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Đức Giêsu hướng dẫn về vấn đề sử dụng tiền của vật chất và những lời khiển trách người biệt phái ham tiền của.
TÌM HIỂU:
9 ”Phần Thầy, Thầy bảo thật cho anh em...”:
sau dụ ngôn Người quản lý bất trung Đức Giêsu chỉ cách sử dụng tiền của.
Tiền của bất chính: không phải là tiền do ăn cắp ăn trộm, nhưng là tiền của để làm cớ cho người ta sinh ra độc ác, bất chính.
sống ở đời phải biết dùng tiền của vào việc từ thiện để chuẩn bị cho cái chết của mình, vì những công phúc do tiền của đó sẽ là giấy thông hành đưa ta vào sự sống đời đời.
10-12 ”Ai trung tín...”
Chúa dùng kiểu nói vừa có tính cách tiêu cực vừa tích cực để nhấn mạnh:biết trung tín sử dụng của cải ở đời này là việc nhỏ, thì sẽ trung tín trong việc sử dụng những ơn thiêng liêng Chúa giữ cho ta là việc lớn. Vì thế tiền của là cái để trắc nghiệm lòng trung tín của các môn đệ Chúa.
13 ”Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ...”
tiền của là một hiểm hoạ trầm trọng, nên Chúa đòi hỏi người môn đệ phải dứt khoát chọn lựa : tiền của hay Thiên Chúa.
14-15 ”Người biệt phái vốn ham hố tiền bạc...”
Các biệt phái vốn ham mê tiền bạc (Mt 12,40) nên khi Đức Giêsu giảng như vậy thì chê cười. họ chê cười Chúa vì một đàng họ ham mê tiền của, đàng khác họ lại quá tin vào quan niệm sai lầm của quần chúng do thái rằng những ai được giàu sang hay may mắn ở đời, là vì họ có công phúc đức. Nên Thiên Chúa thưởng công (Dt 28,1-14). vì vậy họ cho rằng vừa có thể kính mến Thiên Chúa, vừa lưu luyến của cải trần gian.
15 ”Người bảo họ...”
Để sửa sai quan niệm trên đây Đức Giêsu cho biết là họ đã không trung thành với Chúa, còn hơn nữa, họ là những kẻ tự mãn và giả hình. Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn họ, và Thiên Chúa ghê tởm lối sống đạo đức giả của họ: háo danh ham địa vị, trọng tiền của, ưa chuộng hình thức bên ngoài là những điều mà thế gian ưa chuộng.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Tiền của vật chất là phương tiện cho đời sống con người, vì”có tiền mua tiên cũng được”. nhưng tiền của lại là nguyên cớ dễ ra tội ác nên Chúa gọi tiền của bất chính là vậy.
Hiểu như thế chúng ta phải biết sử dụng tiền của: biến nó thành một tên đầy tớ tốt chứ đừng nô lệ nó, đừng để nó là một ông chủ xấu.
2. Chúa bảo chúng ta phải dùng tiền của mà tạo lấy bạn bè, nghiã là người khuyên nhủ chúng ta hãy dùng tiền của trong những công việc bác ái từ thiện để tích trữ những công phúc cho sự sống đời sau.
3. Tiền bạc của cải không chỉ có nghĩa vật chất, nhưng còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những gì mình sở hữu như sức khỏe, tài năng sở thích ý riêng, công việc làm tập quán, quan niệm... là những cái mà Thiên Chúa quan phòng ban cho ta, nên ta phải sử dụng chúng theo ý Chúa, là phục vụ lợi ích cho bản thân và tha nhân nữa.
4. Chúa đã ví tiền của như ông chủ :”không thể làm tôi hai chủ”. Điều này vừa có nghĩa tiền của có sức mạnh khống chế con người, khiến con người làm nô lệ cho nó khi con người ham mê nó : đồng thời cũng có nghĩa con người phải cảnh giác nó kẻo nó gây cớ cho mình trở thành những kẻ gian tham độc ác mà bất trung với Chúa, vì “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được”.
5. Về việc sử dụng của cải đời này, chúng ta nên nhớ rằng tất cả của cải vật chất và tinh thần( của cải, tài năng, quyền thế, ơn thánh) đều được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta làm quản lý, cho nên một đàng ta phải thận trọng giữ gìn và phát triển những thứ ấy : dụ ngôn nén bạc (Mt 25,14-310); đàng khác ta phải trung thành và khôn ngoan sử dụng những thứ ấy theo ý Chúa nghĩa là ta phải dùng để làm vinh danh Thiên Chúa và lợi ích cho hồn xác của ta cũng như anh em mình.